Bài viết về thiết bị
 

    Cuối năm là thời điểm có nhiều yếu tố làm gia tăng tai nạn giao thông (TNGT). Phóng viên báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Thảo (ảnh), Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh về các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT trong dịp cuối năm.

* PV: Thưa ông, từ nay đến cuối năm, theo dự báo tình hình TNGT sẽ diễn biến phức tạp, nhất là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến uống rượu bia, Ban ATGT tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để chủ động đối phó?

- Ông Vũ Ngọc Thảo: Từ nay đến hết tháng 2-2014 là thời điểm của lễ hội, Tết Nguyên đán, tình trạng uống bia rượu tham gia giao thông, cộng với lượng du khách tăng sẽ là nguy cơ làm gia tăng các vụ TNGT. Vì vậy, thời gian tới tỉnh sẽ phối hợp 3 lực lượng gồm: Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, kiểm soát quân sự tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các quốc lộ và các tuyến đường trọng điểm. Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Lái xe lạng lách đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, không chấp hành tín hiệu giao thông, chở quá tải trọng, quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm… và đặc biệt là lỗi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, sẽ kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó tập trung tuyên truyền về tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông cho các lái xe chuyên nghiệp, các đối tượng thường tham gia giao thông như người lao động tự do, người nhập cư, thanh thiếu niên nông thôn.

CSGT đường bộ, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của một trường hợp điều khiển xe máy vi phạm. Ảnh: Báo BR-VT.

Ngoài những giải pháp như vừa nêu, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng hết sức quan trọng, thưa ông?

-Tôi cho rằng, trong công tác bảo đảm ATGT, nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung quyết liệt. Phải hiểu rõ, người thực thi công vụ trong lĩnh vực này không chỉ có cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông mà cả những người làm công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, những người quy hoạch, thiết kế và thi công xây dựng công trình giao thông và cả người tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo về công tác ATGT. Vì vậy, cần triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, không tập trung vào lĩnh vực này mà lơ là lĩnh vực khác.

Trước hết,  phải  tập trung vào những vấn đề còn tồn tại, được xem là tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT như: Tiếp tục rà soát công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của các cơ sở kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa bằng container. Yêu cầu tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đầu tư các hệ thống, thiết bị camera tự động giám sát việc học và sát hạch nhằm tránh những hiện tượng tiêu cực. Ngoài ra, Sở GT-VT sẽ rà soát những thiếu sót, tồn tại liên quan đến hạ tầng giao thông để khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, hiện nay ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, cần làm gì thay đổi ý thức của người dân, thưa ông?

- Qua phân tích nguyên nhân của các vụ TNGT nghiêm trọng, Ban ATGT đã ghi nhận, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân chưa cao. Nguyên nhân sâu xa là do công tác tuyên truyền còn hạn chế, tuyên truyền chưa đúng đối tượng, chưa được duy trì thường xuyên, liên tục. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ tập trung tuyên truyền vào các đối tượng chủ yếu như: Thanh thiếu niên, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, công nhân lao động, học sinh, sinh viên. Ban ATGT phải phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và địa phương soạn thảo nội dung, chương trình và nghiên cứu phương pháp tuyên truyền sao cho phù hợp với từng đối tượng. Có gây tác động mạnh thì mới thay đổi được ý thức của người dân về chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baobariavungtau.com.vn